Chiều ngày 9/3/2022, KS. Đỗ Thị Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu Hệ thống nông nghiệp-thực phẩm thích ứng với khí hậu (CRAFS), đã giới thiệu cho người dân tại xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái về mô hình làng nông thuận thiên.
Xã Âu Lâu nằm ở phía Tây Nam của thành phố Yên Bái. Xã có diện tích tự nhiên 1.589,5 ha, trong đó: đất nông nghiệp 1.225,6 ha; đất phi nông nghiệp 256,2 ha; đất chưa sử dụng là 101,6 ha. Toàn xã có 5.018 nhân khẩu với 1.404 hộ gia đình; tỷ lệ hộ nghèo là 1,42%. Những năm gần đây, trên địa bàn xã thường xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa đá, mưa rào xuất hiện ngay đầu mùa xuân; rét đậm kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.
Theo chia sẻ của KS. Hà, “BĐKH là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực trong đó có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái, người dân đã thực hiện một số giải pháp thích ứng với BĐKH, tuy nhiên những giải pháp đó thường mang tính đơn lẻ, thiếu sự gắn kết giữa người nông dân với các bên liên quan. Do vậy, mô hình làng nông thuận thiên được xây dựng ra nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình LNTT lấy người dân làm trung tâm với phương thức trao đổi hai chiều giữa người dân với chính quyền địa phương/ người dân với nhóm nghiên cứu/ người dân với người dân để chia sẻ những kinh nghiệm/cơ sở khoa học trong sản xuất nông nghiệp”.
Người dân chăm chú theo dõi nội dung hội thảo
Theo chia sẻ của ông Hồ Ngọc Chính- trưởng thôn Cửa Ngòi về tác động của BĐKH “Nhiều người dân trong thôn có đất canh tác nông nghiệp gần sông nên đến tháng 7 dương lịch hằng năm là họ không thể canh tác vì mưa ngập hết cánh đồng. Có năm nước lớn dâng đến nhà ở. Những năm gần đây, dịch bệnh xuất hiện trên gia súc, gia cầm cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của người dân trong thôn. Một số khu vực trong thôn, nơi có chân ruộng vàn cao không có hệ thống thủy lợi nên người dân bỏ hoang.”
Dựa vào kết quả khảo sát về hiện trạng sản xuất nông nghiệp trong địa bàn thôn Cửa Ngòi, nhóm nghiên cứu CRAFS đề xuất 4 nhóm giải pháp nông nghiệp thông minh (CSA) có thể thực hiện trên địa bàn xã để hạn chế ảnh hưởng của BĐKH, phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu thập cho người dân, bao gồm: i) Xử lý rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng; ii) Xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng biện pháp nuôi giun quế; iii) Trồng cỏ chăn nuôi ở chân ruộng cao, thiếu nước tưới; iv) Đệm lót sinh học cho gia cầm.
Kết thúc buổi hội thảo, người dân đã hiểu về mô hình LNTT và tiến hành đăng ký thực hiện các giải pháp CSA. Việc chia sẻ và tiếp thu kiến thức trong buổi hội thảo được thực hiện thành công sẽ là điều kiện cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong thực hiện các giải pháp CSA và xây dựng LNTT tại địa phương .
Nhóm hộ dân đăng ký thực hiện giải pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Đỗ Thị Thu Hà – CRAFS