• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Nhận thức của nông dân về vấn đề thoái hóa đất trên đất dốc trồng sắn trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Nhận thức của nông dân về vấn đề thoái hóa đất trên đất dốc trồng sắn trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Thoái hóa đất đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong một vài thập kỷ gần đây do ảnh hưởng của nó đến vấn đề an ninh lương thực. Ở Việt Nam, một trong ba quan tâm lớn nhất đến vấn đề thoái hóa đất đó là canh tác nông nghiệp không bền vững trên đất dốc ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Ở khu vực này, hình thức thoái hóa phổ biến nhất là xói mòn đất do địa hình đối núi kết hợp với cường độ mưa lớn, áp lực tăng dân số và cách thức sản xuất nông nghiệp.

Người nông dân là đối tượng sử dụng đất trực tiếp, do đó họ có thể quan sát được sự thay đổi của đất theo thời gian dựa vào sự thay đổi một số tính chất lý hóa của đất ví dụ: màu sắc đất, kết cấu, khả năng giữ nước, năng suất cây trồng, độ dày tầng đất mặt. Do vậy, đánh giá thoái hóa đất dựa vào nhận thức của người dân có thể đưa ra những thông tin khoa học có độ tin cậy để hỗ trợ đưa ra quyết định trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách thiết kế những biện pháp thích ứng phù hợp.

Thông qua việc điều tra 80 hộ nông dân trên địa bàn thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông (Hình 1), nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu các hình thức thoái hóa, nguyên nhân của thoái hóa đất, và các hình thức thoái hóa đất trên địa bàn nghiên cứu.

Hình 1. Sơ đồ khu vực nghiên cứu tại thôn Cầu Vải (b), xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Theo đó, có 5 hình thức thoái hóa chính trên địa bàn xã Mậu Đông trong đó, hình thức xói mòn, rửa trôi được người dân đánh giá là rất nghiêm trọng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn xuất hiện hiện tượng khô hạn và sa mạc hóa, ngập úng, đất trượt và sạt lở, và giảm độ phì nhiêu (Hình 2)

Hình 2. Các hình thức thoái hóa đất trên địa bàn xã Mậu Đông

Theo nhận thức của người dân, có 8 nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa đất trên địa bàn xã (hình 3), trong đó độc canh cây sắn trong thời gian dài và lạm dụng phân bón hóa học là hai nguyên nhân chính gây ra thoái hóa đất.

Hình 3. Các nguyên nhân của thoái hóa đất trên địa bàn xã Mậu Đông

Hình 4. Các ảnh hưởng của thoái hóa đất trên địa bàn xã Mậu Đông

Các ảnh hưởng chính của thoái hóa đất đến sản xuất nông nghiệp được liệt kê ở Hình 4. Theo đó, toàn bộ người dân đều cho rằng chi phí đầu tư vào đất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc) nhiều hơn trước do ảnh hưởng của thoái hóa đất.  Ngoài ra, do chất lượng đất giảm xuống ảnh hưởng đến sản lượng sắn và kinh tế hộ, trong vòng 5 trở lại đây, người dân bắt đầu chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ diện tích trồng sắn trước đây sang trồng quế.

Để hạn chế thoái hóa đất, hiện nay người dân đang áp dụng bốn nhóm giải pháp bao gồm: trồng băng cỏ; trồng xen đậu đen-sắn; chuyển đổi cây trồng; và băng cỏ chống xói mòn từ thân cây sắn. Những giải pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với BĐKH ở những khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở những khu vực đồi núi dốc. Hiệu quả của các nhóm giải pháp sẽ được Vũ Thanh Biển và cs phân tích tại các nghiên cứu sắp tới.

 

 

Vũ Thanh Biển, Climate-Resilient AgriFood Systems (CRAFS) research group

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.