Tấu Trên là một trong các thôn thuộc xã Trạm Tấu, với 100% số hộ là người đồng bào dân tộc H’Mông. Với địa hình núi cao, dốc lớn, người dân thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là mỗi khi vào mùa mưa với các hiện tượng như: xói mòn, sạt lở đất. Các loại cây trồng chủ yếu ở thôn Tấu Trên bao gồm cây gỗ bụi, cỏ chăn nuôi, măng sặt, lúa, ngô, sắn, khoai nương. Những năm gần đây, những nương lúa cạn kém năng suất dần được chuyển sang trồng thâm canh ngô. Ngô trở thành một trong những cây lương thực được người dân trồng chủ yếu chỉ sau lúa. Tuy nhiên kỹ thuật trồng ngô của người dân còn theo lối truyền thống, cuốc hố bỏ hạt và bỏ rất ít phân. Sau thu hoạch người dân tiến hành dọn sạch nương trồng bằng cách chặt ngô sát gốc bỏ đống đến khô và đốt trụi. Việc đốt tàn dư này gây ra khói bụi ảnh hưởng xấu đến môi trường, hơn nữa lượng tro tạo ra có hàm lượng dinh dưỡng trả laị đất thấp hơn so với tàn dư ban đầu do việc đốt làm mất dinh dưỡng, đặc biệt là đạm nitơ. Ngoài ra, khi thu dọn sạch tàn dư trên nương và tiếp tục cuốc xới đất để trồng ngô vụ mới sẽ làm tăng khả năng xói mòn, rửa trôi đất bề mặt mỗi khi trời mưa lớn do nương trống/trọc ở đầu vụ. Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp canh tác ngô bền vững trên đất dốc bằng cách tạo băng tàn dư làm rào cản dòng nước và trồng xen ngô với cây họ đậu. Sau công tác tuyên truyền, vận động người dân thôn Tấu Trên, có 11 hộ dân đăng kí tham gia thực hiện giải pháp với tổng diện tích đăng kí gần 2ha.
Ngày 24/7/2022 Cán bộ nghiên cứu kết hợp cùng cán bộ địa phương (thôn, xã) tiến hành tập huấn kỹ thuật làm băng và trồng xen ngô đậu. Cách làm cụ thể là: Sau khi thu hoạch ngô vụ Xuân, những thân và lá cây còn lại trên nương chặt gần sát gốc ở các hàng băng, tạo các hàng băng cách nhau 2-3m, chặt những cây ngô ở các hàng giữa băng sát gốc và xếp ngang tại hàng để băng chống xói mòn (Hình 1). Mục đích của việc tạo băng nhằm tạo rào cản nước khi trời mưa xuống, tạo độ ẩm và hạn chế xói mòn rửa trôi lớp đất bề mặt, khi hoai mục sẽ tạo thành mùn bổ sung cho đất.
Hình 1: Tạo băng chống xói mòn trên nương bằng thân lá ngô
Tiến hành trồng ngô xen đậu (Hình 2): Trồng theo hàng đồng mức, cuốc hố ngô cách nhau 35cm, hàng cách hàng 60-70cm; Trồng hai hàng ngô, cách gốc ngô 45- 50cm cuốc hố trồng 2 hàng đậu mỗi hàng đậu cách nhau 35-45cm, cây cách cây 15-20 cm, chú ý khi cuốc hố hàng ngang cần cuốc so le theo hình nanh sấu giữa các hàng; sau đó tiếp tục trồng hai hàng ngô. Với các hộ có chăn nuôi nên tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có, ủ phân chuồng hoai và kết hợp với phân NPK để bón lót trước khi gieo hạt. Trộn đều phân với đất nhằm tránh cây bị sót phân khi vừa nảy mầm, ra rễ. Mỗi hố gieo 2-3 hạt giống đối với đậu và 2 hạt giống đối với ngô. Sau gieo tiến hành lấp một lớp đất mỏng lên mặt hố hạt để làm ẩm, tránh trôi hạt khi mưa, hay chim/ kiến ăn mất hạt, đảm bảo hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao.
Hình 2: Người dân tiến hành cuốc hố, tra hạt trồng xen ngô với đậu
Trong buổi tập huấn có sự tham gia của đại diện cán bộ địa phương ông Giàng A Lồng- PCT xã Trạm Tấu và một số cán bộ đã cùng người dân thực hiện hoạt động gieo trồng (Hình 3). Với lòng tin tưởng của người dân vào cán bộ, sự xuất hiện của cán bộ trên nương làm người dân rất phấn khởi, hăng hái nhiệt tình tham gia hơn. Mục đích của mô hình này nhằm giúp người dân đặc biệt là toàn bộ người H’Mông trong thôn nắm được kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm thu nhập, hạn chế rửa trôi đất, giúp cải tạo độ ẩm và chất lượng đất. Qua đó duy trì được diện tích ngô, đảm bảo vừa sản xuất vừa gìn giữ, bảo vệ đất trồng.
Đỗ Thị Thu Hà – CRAFS