Trong khuôn khổ phi dự án VIBE 2018.051, ngày 5/1/2022, các thành viên trong nhóm nghiên cứu CRAFS đã tiến hành khảo sát thực địa để lựa chọn địa điểm xây dựng làng nông thuận thiên tiếp theo trên địa bàn tỉnh Yên Bái (Hình 1). Thông qua các buổi làm việc với chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu để tiến hành điều tra, đánh giá sự phù hợp cho việc xây dựng mô hình làng nông thuận thiên. Trên địa bàn xã, nhóm nghiên cứu đã khảo sát về tình hình sản xuất nông nghiệp; các tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân trong xã. Việc đánh giá này đóng vai trò quan trọng để cung cấp cơ sở khoa học cho việc định hướng xây dựng các hợp phần trong mô hình làng nông thuận thiên
Hình 1. Nhóm nghiên cứu CRAFS và cán bộ địa phương khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng LNTT
Xã Trạm Tấu là xã loại III nằm ở phía Nam của huyện Trạm Tấu. Đây là một một xã nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ. Toàn xã có 4 thôn với 510 hộ (2.883 khẩu), trong đó đa số là dân tộc thiểu số (98,1%) như H’Mông và Thái. Tỷ lệ hộ nghèo (29,02%) và cận nghèo (8,82%) trong xã còn cao.
Hình 2. Nhà dân thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu
Trên địa bàn xã Trạm Tấu, sinh kế chính của người dân là sản xuất nông nghiệp. Về trồng trọt, cây trồng chính là các loại cây lương thực như: lúa nương, lúa nước, ngô, sắn, khoai và cây công nghiệp như: thông, trẩu. Tập quán canh tác của người dân ở khu vực này chủ yếu trồng thâm canh và độc canh, đặc biệt là độc canh cây sắn trên đất dốc (Hình 3). Về chăn nuôi, trâu, bò, lợn, gà là những vật nuôi chính của người dân xã Trạm Tấu. Các hộ dân nuôi trâu chủ yếu để lấy sức kéo, ngoài ra có một hộ nuôi để làm thương phẩm. Hình thức chăn nuôi chủ yếu là thả lã trên rừng. Mặc dù người dân đã biết cách làm chuồng tách với nhà ở (Hình 4), tuy nhiên việc xử lý chất thải chăn nuôi chưa tốt. Cụ thể người dân dọn phân và xả thẳng xuống rãnh, mương nước đã gây mùi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Chăn nuôi lợn bản (giống địa phương), cũng được người dân áp dụng hình thức thả rông xung quanh vườn nhà. Gà nuôi quy mô nhỏ lẻ được người dân thả trên nương nhằm phục vụ cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Hình 3. Độc canh sắn trên đất dốc
Hình 4. Chuồng trại chăn nuôi gia súc
Kết quả sơ bộ từ chuyến khảo sát thực địa đã cung cấp những thông tin quan trọng để đánh giá tính thuận thiên và không thuận thiên trên địa bàn xã Trạm Tấu. Dựa trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu CRAFS tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng các hợp phần tiếp theo trong mô hình làng nông thuận thiên. Việc lồng ghép xây dựng làng nông thuận thiêntại một xã vùng III như Trạm Tấu được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của cộng đồng dân cư trên cả ba mặt kinh tế-xã hội- môi trường.
Đỗ Thị Thu Hà – CRAFS
(1) Phi dự án VIBE 2018.05 (2019-2022) là một chương trình giáo dục song phương được tài trợ bởi Đại Sứ quán Ireland. Một trong những mục tiêu của Phi dự án đó là nhân rộng mô hình làng nông thuận thiên ra các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái dựa trên bài học thành công của mô hình làng nông thuận thiên tại thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trong khuôn khổ chương trình CCAFS (2015-2018).