CRAFS đã được Hội đồng Nghiên cứu Ailen (IRC) tài trợ 350.000 Euro cho dự án: “Xây dựng bản đồ rủi ro khí hậu phục vụ ra quyết định cho các giải pháp thích ứng với Biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư thiệt thòi và tổn thương với khí hậu ở vùng đồi núi phía Bắc Việt Nam”.
Charles Spillane, Chủ nhiệm Dự án phía Đại học Quốc gia Ailen (NUI), Galway và TS. Bùi Lê Vinh, chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam và Trưởng nhóm CRAFS, trong buổi sinh hoạt khoa học hàng tuần.
Việt Nam là nước đối tác Viện trợ của Ailen đang bị đe dọa lớn bởi biến đổi khí hậu. Trong khi những tiến bộ lớn về xóa đói giảm nghèo đã đạt được ở Việt Nam, vẫn có những cộng đồng nông thôn bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương về kinh tế, và có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Những đối tượng này bao gồm hộ nghèo và hộ gia đình vùng nông thôn, người dân tộc thiểu số, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ và hộ gia đình người khuyết tật. Cần phải phát triển các hệ thống hỗ trợ ra quyết định dựa trên bằng chứng nhằm hướng tới các biện pháp tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu (bao gồm các cải tiến và kỹ thuật nông nghiệp thông minh/thích ứng với khí hậu, CSA/CRA) cho các hộ gia đình bị thiệt thòi nhất ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ phát triển phương pháp lập bản đồ rủi ro khí hậu và hệ thống hỗ trợ ra quyết định theo không gian dựa trên kịch bản chính sách có tích hợp thực hành CSA/CRA để chống chịu với BĐKH và giảm nghèo trong Giai đoạn II của Chương trình mục tiêu quốc gia Nông Thôn Mới (2021-2025) ở Việt Nam. Dự án sẽ tập trung vào một trong những vùng sinh thái dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH với các đặc điểm sinh thái, và kinh tế xã hội khác nhau ở vùng núi phía Bắc của Việt Nam trải dài gần 2.300 xã (bao gồm các làng) với các điểm nghiên cứu thí điểm ở tỉnh Yên Bái. Dự án được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác nghiên cứu hiện có giữa Đại học Quốc gia Ailen, Galway và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với CIAT/CCAFS và các tổ chức khác tại Việt Nam.
Dự án sẽ phát triển một hệ thống hỗ trợ ra quyết định theo không gian (SDSS) để hướng các thực hành CSA/CRA đến các nhóm dễ bị tổn thương (dân tộc thiểu số, phụ nữ làm chủ hộ, hộ khuyết tật) nhằm tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH và quyền của nữ giới của các hộ gia đình này, đồng thời sử dụng phương pháp tiếp cận nghiên cứu hành động có sự tham gia như “tiếng nói qua ảnh” “photovoice” và phân tích kịch bản chính sách để lồng ghép SDSS vào các chương trình cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm giảm nghèo và tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH ở các vùng nông thôn Việt Nam. Dự án sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan (nhà hoạch định chính sách, người thực hiện, các tổ chức thuộc chính phủ và phi chính phủ) trong thực thi chính sách chuỗi giá trị ở các quy mô khác nhau (thôn, xã, huyện, tỉnh, quốc gia).
Hệ thống nông nghiệp-thực phẩm thích ứng với khí hậu (CRAFS) là một nhóm nghiên cứu liên ngành, hội tụ các giảng viên và nghiên cứu viên có năng lực nghiên cứu từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và các nhà khoa học có trình độ từ các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước. CRAFS thực hiện các hoạt động nghiên cứu liên ngành nhằm đóng góp cho quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam trong điều kiện khí hậu thay đổi. Nhóm nghiên cứu kết hợp các nghiên cứu từ các lĩnh vực khác nhau để góp phần nâng cao hệ thống nông sản bền vững và an toàn cũng như năng lực thích ứng và khả năng chống chịu với các tác động khí hậu mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Nông Hữu Dương – CRAFS