Điều tra khảo sát về bệnh vàng lá trên vườn cam

Từ ngày 06/04/2022 đến ngày 09/04/2022, nhóm nghiên cứu Hệ thống nông nghiệp-thực phẩm thích ứng với khí hậu (CRAFS) đã điều tra khảo sát và thu thập mẫu bệnh cam có biểu hiện vàng lá tại thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Mục tiêu của chuyến đi lấy mẫu bệnh là để xác định được sự có mặt và mức độ nhiễm của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn gây bệnh vàng lá Greening (Ca. Las), virus tristeza gây hội chứng suy giảm miễn dịch (CTV) và các loại nấm bệnh có nguồn gốc trong đất (Phytophthora và Pythium) tại vùng trồng cam chính của huyện Văn Chấn.

Qua khảo sát các vườn cam đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh, nhóm nghiên cứu quan sát thấy các triệu chứng như vàng lá, thối gốc rễ và đặc biệt là đốm biến vàng không đối xứng. Qua đánh giá sơ bộ, phần lớn các cây biểu hiện triệu chứng liên quan đến thiếu dinh dưỡng và/hoặc nhiễm vi khuẩn gây bệnh vàng lá Greening  (Ca.Las).

       

Nhóm nghiên cứu phỏng vấn người dân trồng cam và lấy mẫu bệnh cam

Trong tổng số 132 mẫu lá và 33 mẫu rễ bệnh cam đã được thu thập tại huyện Văn Chấn, có 8 triệu chứng được quan sát thấy bao gồm:

STT Triệu chứng Nguyên nhân có thể
1 Thối gốc rễ Phytophthora, Pythium (Nấm bệnh có nguồn gốc trong đất), Ca.Las (Vi khuẩn gây bệnh vàng lá Greening)
2 Vàng lá Thiếu Nitơ (N), thiếu lưu huỳnh (S), thiếu sắt (Fe)
3 Vàng lá – Vàng gân Thiếu N, Ca.Las
4 Vàng lá dạng chữ V Thiếu Ma-giê (Mg)
5 àng nhạt lá gân xanh Thiếu Măng-gan (Mn)
6 Vàng lá gân xanh Thiếu kẽm (Zn), Ca.Las
7 Phồng gân Thiếu Bo, Ca. Las (vi khuẩn gây bệnh vàng lá Greening), CTV (Virus tristeza gây hội chứng suy giảm miễn dịch)
8 Đốm biến vàng không đối xứng Ca.Las (vi khuẩn gây bệnh vàng lá Greening)

Các triệu chứng giống thiếu dinh dưỡng và/hoặc giống nhiễm Ca.Las và CTV quan sát thấy trên cây có múi tại Văn Chấn-Yên Bái năm 2022.

Cán bộ địa phương thôn Nông Trường và xã Thượng Bằng La cho biết: hiện tại các vườn cam chết bị chặt bỏ sau đó trồng tái canh lại nhưng vẫn bị vàng lá. Do vậy, khả năng người dân tiếp tục chặt bỏ và chuyển sang trồng các cây trồng khác là tương đối cao. Ngoài ra, vấn đề tái canh cây cam tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm: (i) trên toàn vùng không có cây giống đầu dòng hay vườn cây mẹ; (ii) giống đa phần đều do nông dân tự sản xuất hoặc mua trôi nổi trên thị trường; (iii) mắt ghép nông dân sử dụng chủ yếu lựa chọn ở các vườn sản xuất tự phát do đó không thể truy nguyên nguồn gốc, chất lượng giống.

Theo nhóm nghiên cứu, giải pháp ban đầu để hạn chế được bệnh vàng lá trên cam đó là siết chặt công tác quản lý giống. Ngoài ra, cần phải có khu nhà lưới cách ly lưu giữ cây đầu dòng, vườn cây giống đầu dòng để sản xuất mắt ghép.

Kết quả sơ bộ từ chuyến khảo sát, thu thập mẫu bệnh cam đã cung cấp những thông tin quan trọng để xác định được nguyên nhân chính gây ra bệnh vàng lá cam, từ đó đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết từng đối tượng gây hại.

 

Nguyễn Tuấn Cường – CRAFS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.