Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang trở thành một vấn đề cấp bách cần hành động trong các chương trình nghị sự của các tổ chức phát triển lớn trên phạm vi toàn cầu. Tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Sự liên tục nóng lên của Trái đất (ví dụ 0,50C giai đoạn 1958-2007) khiến tốc độ băng tan ở hai cực tăng cao và nước biển dâng trung bình 2,8mm/năm, và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở vùng đồng bằng châu thổ, đặc biệt là đồng bằng Sông Cửu Long. Trước kịch bản nước biển dâng lên 1m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất liền, 11% dân số bị ảnh hưởng, tác động đến 7% sản xuất nông nghiệp, và giảm 10% GDP. Hạn hán và bão lũ xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều ở miền trung và miền bắc của đất nước, gây thiệt hại lớn đối với đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Các đối tượng dân cư chịu ảnh hưởng và bị tổn thương nhiều nhất vẫn là những người dân nghèo, phụ nữ, trẻ em và đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nông nghiệp thích ứng với BĐKH (CSA) hiện đang nổi lên là một cách tiếp cận tổng hợp để giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp trong bối cảnh của BĐKH mà vẫn giải quyết được vấn đề về an ninh lương thực. Đó là sự kết hợp đa ngành như nông lâm kết hợp, quy hoạch cảnh quan bền vững, quản lý sử dụng nước hợp lý, bảo vệ và cải tạo đất, sử dụng năng lượng thông minh cho sản xuất nông nghiệp, bảo tồn các nguồn gen bản địa và đa dạng sinh học, các hệ thống trồng trọt và chăn nuôi bền vững, để đạt được ba mục tiêu về CSA: Thích ứng, Giảm thiểu, Năng suất và thu nhập.
Tính bền vững của các mục tiêu CSA cần được thực hiện trong cộng đồng dân cư nông thôn được trang bị các kiến thức và năng lực về kỹ thuật, văn hóa và xã hội nhằm nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng với BĐKH. Đây chính là mô hình làng nông thuận thiên (LNTT) trong thực hiện CSA bền vững.
Kế thừa tập hợp các phương pháp nghiên cứu hiện đại trong xây dựng LNTT của chương trình Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực (CCAFS) tại vùng Đông Nam Á và Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam do TS. Bùi Lê Vinh chủ trì đã thực hiện thành công đề tài KHCN cấp quốc gia trong việc áp dụng cách tiếp cận LNTT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng thích ứng với BĐKH và hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị OCOP (Mã số Hợp đồng: 30/HĐ-KHCN-NTM). Các mục tiêu chính của Đề tài bao gồm: (i) nhân rộng mô hình LNTT ra tiểu vùng sinh thái 2 và 3 dựa trên kết quả nghiên cứu của CCAFS tại tiểu vùng sinh thái 1; (ii) xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện LNTT có thể áp dụng trên phạm vi quốc gia và địa phương; (iii) đề xuất lồng ghép mô hình LNTT vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia NTM giai đoạn 2021-2025.
Qua 18 tháng triển khai thực hiện (1/2020-6/2021), Đề tài đã xây dựng thành công 02 mô hình LNTT tại thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (tiểu vùng 2) và thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (tiểu vùng 3). Về hiệu quả môi trường, các giải pháp CSA đã góp phần cải thiện chất lượng đất, nâng cao 20% năng suất sắn tại thôn Cầu Vải; giảm ô nhiễm CO2 từ đốt rơm, giảm xói mòn từ các băng cỏ chăn nuôi trồng theo đường đồng mức ở 02 điểm LNTT. Về hiệu quả kinh tế, thu nhập hỗ hợp trên 1 ha tăng 200% từ mô hình sắn xen đậu đen cho người dân thôn Cầu Vải và 150% từ mô hình cam xen lạc cho người dân thôn Nông Trường. Các giải pháp ủ rơm và ủ phân-nuôi giun quế giúp tăng nguồn phân hữu cơ tự có và giảm chi phí mua phân bón. Về hiệu quả xã hội, ngoài việc nâng cao được năng lực kỹ thuật, 100% các hộ dân tham gia các hoạt động của Đề tài có nhận thức tốt và đầy đủ hơn về sự cần thiết và tác dụng của các giải pháp CSA và mô hình LNTT trong việc nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho cộng đồng thôn bản.
Hình 1. Địa điểm nghiên cứu của Đề tài tại thôn Cầu Vải, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (tiểu vùng 2) và thôn Nông Trường, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (tiểu vùng 3)
Cùng với mô hình LNTT tại thôn Mạ (Hình 1) được hoàn thiện ở giai đoạn 2015-2018, 02 mô hình LNTT tại tiểu vùng sinh thái 2 và 3 đã giúp Yên Bái trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có 01 LNTT cho mỗi tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Đây là điểm mấu chốt phục vụ cho việc nhân rộng ra các địa phương theo tiểu vùng sinh thái, trên toàn bộ địa bàn tỉnh, và sau cùng là minh chứng khoa học cho việc lồng ghép thực hiện trong chương trình NTM quốc gia. Từ kết quả nghiên cứu của CCAFS và Đề tài, nhóm nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện xây dựng LNTT có thể áp dụng trên phạm vi quốc gia và địa phương. Bộ tài liệu này mô tả cụ thể 06 bước thực hiện từ (1) Điều tra – Đánh giá cơ bản, (2) Các hoạt động dân vận, (3) Thiết kế – Lập kế hoạch, (4) Triển khai thực hiện, (5) Nhân rộng, (6) Theo dõi – Đánh giá kết quả thực hiện. Các bước này đã được tổng hợp trong 01 nghiên cứu tổng quan của nhóm nghiên cứu và được dịch sang tiếng Anh[1] để chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu LNTT ở Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Từ các kết quả nghiên cứu trên, Đề tài đã đề xuất cơ chế nhân rộng mô hình LNTT trong thực hiện NTM ở cấp Quốc gia và địa phương (Hình 2). Trong mô hình phối hợp này, cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên cần được kết hợp một cách bài bản và nhuần nhuyễn. Ở các cấp cơ sở, nguồn lực sẵn có, nhu cầu và các khoản mục đầu tư được đánh giá tổng hợp từ các thôn cho mỗi xã, các xã tổng hợp lên huyện và các huyện tổng hợp lên tỉnh (mũi tên màu xanh). Các tỉnh xây dựng báo cáo tổng hợp gửi lên chương trình mục tiêu NTM quốc gia để xây quy hoạch và kế hoạch tài chính cho giai đoạn 2021-2025 trong việc triển khai thực hiện LNTT đối với các danh hiệu NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Ở chiều ngược lại, chương trình NTM quốc gia cần xây dựng và hợp thức hóa các tiêu chí thích ứng với BĐKH cho 02 danh hiệu NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã đã đạt chuẩn NTM ở những vùng chịu nhiều rủi ro khí hậu. Quy trình các bước thực hiện LNTT và các hợp phần của một LNTT cần được phê duyệt và xây dựng thành các tài liệu hướng dẫn thực hiện chi tiết và có thể áp dụng linh hoạt ở nhiều địa phương khác nhau. Dựa trên kế hoạch quốc gia, chương trình NTM giao chỉ tiêu cụ thể thông qua các cấp quản lý tại địa phương (từ tỉnh xuống đến thôn). Để đạt được mục tiêu và kết quả mong đợi, chương trình NTM quốc gia xây dựng bộ tài liệu dành cho việc theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện cho các cấp từ Trung ương xuống cơ sở, trong đó các cấp thực hiện có thể linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực hiện mà vẫn đảm bảo tính thống nhất giá trị của báo cáo (mũi tên lớn màu cam). Các cấp tại địa phương sau khi tổng hợp số liệu của theo dõi-đánh giá thực hiện, xây dựng báo cáo để chuyển lên các cấp cao hơn để xét duyệt các danh hiệu NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu (mũi tên nhỏ màu cam).
Hình 2. Đề xuất cơ chế nhân rộng mô hình LNTT áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên trong thực hiện NTM ở cấp Quốc gia và địa phương (Bùi Lê Vinh (2021))
Nhóm nghiên cứu đã chứng minh khả năng xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn thích ứng với BĐKH thông qua cách tiếp cận LNTT trong bối cảnh nông thôn Việt Nam. Việc lồng ghép công cụ LNTT trong thực hiện NTM giai đoạn 2021-2025 mang tính chiến lược và thực tiễn cao, đặc biệt trong việc hỗ trợ các vùng chịu nhiều rủi ro khí hậu nâng cao được nhận thức và năng lực thích ứng trong khi vẫn duy trì sự ổn định về năng suất và thu nhập. Công cụ này sẽ giúp chương trình mục tiêu quốc gia về NTM ở giai đoạn mới đạt được hiệu quả tốt hơn về nguồn vốn đầu tư và tránh lãng phí nếu có sự phối hợp liên cấp chặt chẽ trong thực hiện các hoạt động đánh giá cơ bản, thiết kế và lên kế hoạch triển khai, theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện.
Video tài liệu về Làng nông thuận thiên tại Yên Bái: https://www.youtube.com/watch?v=_l28ZMndywU
Một số hình ảnh thực hiện Phi dự án/Đề tài
|
|
Hình 1:Mô hình trồng cam xen đậu đỗ |
Hình 2: Cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân |
Hình 3: Cán bộ dự án tập huấn kỹ thuật cho nông dân |
Hình 4: Người dân thực hiện mô hình ủ rơm |
Hình 5: Cuộc thi ‘Tiếng nói nhà nông’ |
Hình 6: Thư viện cộng đồng tại thôn Nông Trường |
Hình 7: Cán bộ dự án tư vấn kỹ thuật cho người nông dân |
Hình 8: Báo cáo tiến độ thực hiện Phi dự án/Đề tài |
Hình 9: Đoàn Đại sứ quán Ireland phát tặng quà cho người dân |
Hình 10: Đoàn đại biểu tham dự buổi tổng kết và thăm quan thực địa |
Bùi Lê Vinh – Crafs